Bệnh Mác-bớc (Marburg) là gì?
Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Marburg gây ra.
Đường lây truyền của Marburg.
Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả, bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể như nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch… hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc hoặc chết do vi rút Marburg.
Thời gian ủ bệnh và triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày; bệnh bắt đầu với các triệu chứng khởi phát như sốt cao đột ngột, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, chảy máu.
Các biểu hiện chảy máu nghiêm trọng xuất hiện từ 5 đến 7 ngày kể từ khi các triệu chứng khởi phát và các trường hợp tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ 8 đến 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.
Biện pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Marburg.
Hiện bệnh Marburg chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, nhân viên nhà tang lễ… cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định an toàn trong phòng chống dịch. Đặc biệt, các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng đồ bảo hộ như: đeo găng tay, đeo tháo mặt nạ, kính bảo vệ, quần áo bảo hộ…
Nhân dân hạn chế tối đa việc đi tới những nơi đang có dịch. Đồng thời giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ, cùng với chính quyền và y tế địa phương tuyên truyền giáo dục cộng đồng về các kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch.
Nếu có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu và có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, chảy máu thì cần phải lập tức đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh do vi rút Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người và hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam, thế nhưng Nhân dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống căn bệnh này./.
Nguồn tài liệu: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh