Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm XHTDTE có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm này không chỉ diễn ra ở nơi công cộng mà còn diễn ra trong gia đình, nơi được coi là tổ ấm của các em để lại những hậu quả, tổn hại lâu dài, khó khắc phục.
Mục lục:
Xâm hại tình dục trẻ em là gì?
Theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), trẻ em là người dưới 16 tuổi. Xâm hại tính dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.
Thực trạng vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam hiện nay
Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em gây nên sự phẫn nộ trong xã hội, theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 đã phát hiện được 1945 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 1506 vụ là xâm hại tình dục, 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân và gia đình của nạn nhân. Xâm hại tình dục không chỉ gây ra những vết thương thể chất cho trẻ mà còn có ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần của trẻ. Từ thực trạng này, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để giảm tối đa tình trạng ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục.
Đứng trước thực tế đó, Cục Cảnh sát hình sự (thuộc Bộ Công an) và Tổ chức UNODC (Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc) đã biên soạn tài liệu “Lực lượng cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em – Nhận thức và ứng phó”. Trong tài liệu này, một phần quan trọng là hướng dẫn trẻ em về kỹ năng phòng chống hành vi xâm hại tình dục, cụ thể như sau:
Kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình
Một là, nhận biết và tìm cách di chuyển khỏi nơi có không gian vắng vẻ, biệt lập khi chỉ có mình với người khác giới. Những nơi đó có thể hiểu là trong một căn nhà, căn phòng vắng, biệt lập; trong cầu thang máy của chung cư cao tầng; ở nơi cách đồng, nương rẫy vắng, cánh rừng vắng, trên một quả đồi vắng,…mà xét thấy khó có thể kêu gọi sự trợ giúp của người khác.
Hai là, có thái độ cương quyết trước hành vi, lời nói sàm sỡ, tán tỉnh, gạ gẫm, cử chỉ đụng chạm. Có thể nhìn thẳng vào mặt đối tượng và nói to: “Bác/chú/anh…dừng lại. có camera kia kìa”…Tìm cách thoát khỏi hoặc la hét hoặc kêu gọi sự chú ý, giúp đỡ của người khác nếu sau khi có thái độ, lời nói cương quyết mà thấy đối tượng vẫn có thể tấn công tình dục, quấy rối tình dục…Nếu trong thang máy mà bị đối tượng có ý định tấn công cũng hét to “có camera kìa” mặc dù mình không biết có hay không, hoặc nhấn vào nút chuông khẩn cấp để được bên ngoài trợ giúp, “làm nguội” dục vọng và cường độ tấn công của đối tượng.
Ba là, tự mình phòng ngừa, giúp bạn bè cùng phòng ngừa, cảnh giác, cân nhắc trước hiện tượng “lòng tốt” của người khác mà chưa rõ nguyên nhân (tặng quà, rủ đi ăn, đi hát, đi chơi, mời lên xe để chở về nhà, chở đến trường,…)
Bốn là, biết phân biệt cử chỉ thân mật, đúng mực với cử chỉ sàm sỡ, quấy rối hoặc lợi dụng để xâm hại, quấy rối tình dục,…
Kỹ năng nhận biết nguy cơ
Nguy cơ (báo động) từ cái nhìn: Đối tượng nhìn chằm chằm vào mình, rồi nhìn dáo dác xung quanh xem có ai để ý không, di chuyển khoảng cách đến gần, nhìn vào vùng nhạy cảm,..v.v…
Nguy cơ (báo động) từ lời nói: Buông lời ngọt nhạt, lả lơi, ỡm ờ kiểu thăm dò, nói về vùng kín, phim ảnh tình dục,…
Nguy cơ (báo động) từ sự đụng chạm: Vuốt tóc, xoa má, xoa và bóp vùng gáy, vùng vai hoặc tỏ ra vô tình đụng chạm vào các phần nhạy cảm (như ngực, bụng, đùi, vùng kín, mông,…)
Nguy cơ (báo động) từ sự bắt cóc, cưỡng ép: Đưa đến nơi hoang vắng như bãi đất trống, nghĩa địa, nhà bỏ hoang,…
Nguy cơ (báo động) từ cái ôm: Ôm lâu, ôm ghì, vừa ôm vừa sờ soạng,…
Những điều trẻ em cần biết
Không dễ dãi kết bạn, làm quen với người lạ, người mới quen chưa rõ nhân thân lai lịch, người quen trên mạng; không dễ nhận quà, nhận lời mời của những người này. Chia sẻ, tham vấn với bạn bè, người thân trước các hiện tượng lạ, các hành vi làm mình khó chịu,..
Không may nếu trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục (hoặc biết người khác như bạn bè bị xâm hại) thì nhanh chóng, mạnh dạn tố giác, tố cáo hoặc nhờ sự trợ giúp của người thân, nhà trường, tổ chức đoàn thể. Không chấp nhận sự dàn xếp, thương lượng, xử lý nội bộ với đối tượng xâm hại tình dục.
Giữ lại và giao các đồ vật, tài liệu liên quan đến việc bị xâm hại cho cơ quan chức năng (như quần áo, quà tặng, dữ liệu điện tử,…)
Luôn nhớ rằng khi bị xâm hại thì các em là nạn nhân của tội phạm, các em không phải là nguồn cơn của tội lỗi hay phải chịu trách nhiệm cho hành vi của kẻ xâm hại. Các cơ quan, tổ chức luôn đứng về phía các em, có trách nhiệm bảo vệ, bảo mật các thông tin liên quan đến nhân thân và sự việc của các em.
Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các cán bộ đoàn thể,…nên nghiên cứu, phổ biến các kiến thức, kỹ năng kể trên rộng rãi đến con em trong gia đình, học sinh trong nhà trường và trẻ em địa phương để các em có thêm nền tảng tự bảo vệ chính mình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.