KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2016
NGÔI NHÀ ĐÔNG DƯƠNG: CÙNG SẺ CHIA – TRAO YÊU THƯƠNG
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền
Cứ đến 20/11 hàng năm, hoà vào trong không khí tưng bừng kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường THPT Đông Dương có rất nhiều hoạt động chào mừng sôi nổi. Nhưng sau tất cả, điều lắng đọng, khắc sâu trong lòng nhiều thầy cô giáo và các học sinh là lễ kỉ niệm, đồng thời là buổi trải nghiệm nhiều cảm xúc diễn ra vào chiều ngày 15/11.
Thầy cô giáo và các em học sinh không trải qua một buổi lễ long trọng và trang nghiêm chào mừng 20/11, thay vào đó là một buổi gặp mặt, một buổi thầy trò cùng nhau trải nghiệm, một buổi thầy trò cùng nhau khóc cười, để rồi khi buổi lễ qua đi, tất cả như trở thành một dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người tham dự.
Chương trình bắt đầu với màn hoạt náo vui vẻ Ban tổ chức dành cho các em học sinh. Các em được tham gia những hoạt động tập thể sôi nổi: nhảy tập thể, hát và chơi những trò chơi thú vị. Ai cũng hào hứng tham gia hết mình, các học sinh trong trường như gần gũi và thân thiện với nhau hơn.
Sau đó là trọng tâm của buổi lễ – chương trình trải nghiệm cho các thầy cô và học sinh. Đây không chỉ là một nội dung vui chơi mà nó thực sự đã trở thành một thử thách nghiêm túc cho người tham dự.
Người tham gia thử thách chính là: cô Lê Thị Chín – Hiệu trưởng nhà trường. Đồng hành cùng cô là cô Lý Minh Châu, thầy Võ Phong Toàn, em Hoàng Thị Hương Ly (lớp 11B2), em Võ Thiện Bình (lớp 12C1) cùng toàn thể các thầy cô cùng các em học sinh toàn trường. Thử thách cho thầy cô và các học sinh là một công việc tưởng chừng như đơn giản – ném phi tiêu. Ban đầu ai cũng cười tươi trước yêu cầu vô cùng dễ thực hiện ấy của Ban tổ chức. Nhưng khi thực sự bước vào chương trình ai nấy đều ngỡ ngàng.
Không đơn giản chỉ là chuyện ném phi tiêu trúng đích, quan trọng hơn, mỗi một đích ngắm ấy lại là một biểu tượng cho một mục tiêu mà các thầy cô giáo và học sinh trường THPT Đông Dương hướng đến. Cảm giác đầu tiên của mỗi người tham dự buổi lễ ấy là ngạc nhiên, sau là xúc động khi nghe cô hiệu trưởng nghẹn ngào nói lên ước muốn của mình là được thấy các em học sinh: “NÊN NGƯỜI”. Vâng, cái đầu tiên thầy cô mong chưa phải là thành tích, là thành công của học sinh mà là “nên người” – cụm từ giản dị mà rộng lớn quá.
Và cũng khó khăn quá! Vì mỗi lần cô Hiệu trưởng ném trượt đích thì những người đồng hành của cô sẽ phải chịu thử thách: 40 cái hít đất. Hơn nữa trong những trải nghiệm tiếp theo số thử thách này sẽ dần tăng lên.
Buổi chiều ngày 15/11 lúc này không còn là một cuộc chơi nữa. Trải nghiệm trở nên căng thẳng khi cô Hiệu trưởng liên tục ném trượt phi tiêu. Những bạn đồng hành của cô đã hít đất hơn 200 cái. Nước mắt đã bắt đầu rơi trên gương mặt những người tham dự. Trên tay cô Hiệu trưởng không còn là một trò chơi rèn luyện sự khéo léo mà thực sự đã trở thành áp lực, là chờ mong, là hi vọng của học sinh. Và khi cô ném trúng mục tiêu, cả hội trường dường như vỡ oà trong tiếng vỗ tay và những nụ cười. Vì ai cũng biết, cô Hiệu trưởng vừa rồi không chỉ ném trúng bảng đích mà cô như vừa gọi vào lòng mỗi người tham gia buổi lễ hôm ấy một điều tuyệt vời: “Nên người”.
Những tưởng vậy là kết thúc, nhưng trải nghiệm vẫn tiếp tục vì mục tiêu của thầy trò trường Đông Dương còn rất nhiều. Và khó khăn hơn cả lần trước, lần này bảng đích ở xa hơn, thử thách cũng lớn hơn. Phi tiêu lại trượt đích, những thầy cô và học sinh đồng hành của cô Hiệu trưởng lại tiếp tục hít đất trong sự chứng kiến của những đôi mắt đỏ hoe của học sinh toàn trường. Nhưng điều ngạc nhiên và cảm động thật sự đã xảy ra. Tất cả học sinh và các thầy cô cùng nhau hít đất. Một nỗi rung động mang tên tình thầy trò vỡ oà trong lòng những người có mặt. Để rồi tất cả càng thấm thía một chân lý giản dị mà quý giá: chỉ khi đi cùng nhau, chỉ khi đồng lòng thì mục tiêu mới có thể được thực hiện!
Chỉ là một trò chơi mang nhiều tính ẩn dụ, nhưng ý nghĩa mang lại cho mỗi người tham dự thật sâu sắc. Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn cho các thầy cô khi thấy học trò của mình đã lớn. Không có niềm xúc động nào hơn cho mỗi người làm cái công việc thiêng liêng này khi biết học trò thực sự yêu thương mình. Và với các em học sinh, có lẽ không một bài học nào chân thực hơn để giúp các em thật sự nhận ra những hi sinh thầm lặng mà thầy cô dành cho mình. Tất cả cùng khóc, tất cả cùng cười. Giây phút ấy như khắc vào trong lòng người tham dự một niềm rung động không nói nên lời.
Buổi trải nghiệm kết thúc trong những cái ôm nồng ấm tình thầy trò và tình bạn bè. Rồi đây, các em học sinh lớp này sẽ ra trường, các thầy cô lại đón tiếp những học trò mới, nhưng những gì đọng lại trong buổi lễ hôm ấy sẽ không thể nào quên được.
Một ngày thật ý nghĩa. Thầy cô và các em học sinh trường Đông Dương trải qua một ngày kỉ niệm 20/11 như thế. Và qua buổi lễ ấy, trong lòng mỗi người đều thêm thấm thía sâu sắc một điều rằng: Nghề giáo là công việc thiêng liêng biết bao và 20/11 dường như không chỉ là ngày cho toàn xã hội tôn vinh nghề giáo mà thực sự là ngày cho những ai đã, đang và sẽ trở thành thầy cô giáo trăn trở hơn, đau đáu hơn về sứ mệnh vinh quang mà nhọc nhằn của mình.