Dưới đây là những ngành học được đánh giá là có triển vọng trong tương lai, khi đất nước ngày càng chú trọng mở cửa hội nhập kinh tế và hiệp định TPP được xem là thách thức nhưng cũng là triển vọng phát triển của Việt Nam.
Kì thi đại học đang đến rất gần, những suy tính cho tương lai cũng như những dự định về ngành nghề đang là mối quan tâm rất lớn của nhiều học sinh và bậc phụ huynh. Dưới đây là những ngành học được đánh giá là có triển vọng trong tương lai, khi đất nước ngày càng chú trọng mở cửa hội nhập kinh tế và hiệp định TPP được xem là thách thức nhưng cũng là triển vọng phát triển của Việt Nam.
1. Ngành Ngôn Ngữ Anh
Nhiều bạn cũng đã biết, ngôn ngữ Anh là ngôn ngữ quốc tế, chiếm phần quan trọng rất lớn trong hồ sơ xin việc cũng như ứng dụng trong đời sống. Theo Thương mại.vn, số lượng các văn phòng công ty đại diện nước ngoài đến Việt Nam đạt 1454, trong đó Singapore là 270 công ty, Nhật Bản 226, Hồng Kông 148 và Hàn Quốc là 196 công ty. Sự đa dạng của các công ty nước ngoài tại Việt Nam là cơ hội rất lớn cho nguồn tuyển dụng lao động. Nhờ đó, cơ hội được làm việc, tiếp xúc và cạnh tranh giữa các công ty đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Không những vậy, cơ hội lấn sân, thử thách bản thân với nhiều ngành nghề là những ưu điểm vượt trội của ngành học này. Rất nhiều triển vọng danh cho ngành Ngôn ngữ Anh, vì vậy nếu bạn đang phân vân chưa biết mình sẽ lựa chọn ngành học gì thì Ngôn ngữ Anh là một gợi ý hoàn hảo. Tiếng anh
2. Ngành Công Nghệ Thông Tin
Mạng xã hội bùng nổ, thiết bị di động ngày càng phổ biến chính là cơ hội lớn cho nhiều công ty tiếp cận đến khách hàng dễ dàng hơn. Vì thế có rất nhiều công ty mạng sẵn sàng chi trên 1.000 USD để mời về cho mình những lập trình viên, những kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, thiết kế lập trình game, an ninh mạng… thông thạo tiếng Anh cũng như đáp ứng được trình độ chuyên môn. Quan trọng hơn là những ngành này hiện tại vẫn đang rất khát nhân lực, rất nhiều kỹ sư công nghệ thông tin ra trường, nhưng rất tiếc không đáp ứng được chuyên môn. Điều đó cho thấy rằng, sự cạnh tranh đối với ngành này là cực kì lớn. Nếu bạn có đủ năng lực và đam mê thì hãy chọn Công nghệ thông tin như là một bước đi đúng đắn.
3. Ngành Du lịch, quản lý khách sạn
Theo số liệu Tổng cục thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2016 ước đạt 757.244 lượt, giảm 4,1% so với tháng 4/2016 và tăng 30,2 % so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 5 tháng năm 2016 ước đạt 4.005.878 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015. Những con số trên cho thấy ngành Du lịch ở Việt Nam ngày càng đi lên cùng với những địa điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước cũng như quốc tế. Việc chọn ngành Du lịch hay Quản lý khách sạn chính là lựa chọn thông minh, giúp bạn có nhiều cơ hội cọ xát với nhiều thử thách, cơ hội gặp gỡ nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. Hãy để khả năng ngoại ngữ và giao tiếp của bạn được phát huy hết cỡ. Nếu bạn là người ưa khám phá và trải nghiệm thì ngành này là lựa chọn vừa giúp bạn tìm kiếm việc làm vừa đáp ứng đúng sở thích của bản thân.
4. Ngành Điện; Cơ khí
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đang thúc đẩy phát triển công nghiệp, điện tử. Trong bối cảnh nhiều khu đô thị, lượng người sử dụng điện hay những sản phẩm cơ khí ngày càng nhiều. Quan trọng hơn là nhiều công ty cơ khí đang thiếu nguồn nhân lực, yêu cầu về ngành này cũng không cao. Không những vậy, cơ hội được đi xuất khẩu lao động sang các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… của các bạn cũng rất lớn. Ngay từ giảng đường đại học, các nhà tuyển dụng đã tạo dựng sợi dây liên kết giữa nhà trường và công ty, mỗi khóa tốt nghiệp đều có những chỉ tiêu kí kết hợp đồng lao động. Thực trạng hiện nay, đa số lao động ở các nhà máy đều chưa qua đào tạo bài bản, nên ngành học này được xem là một gợi ý rất tốt dành cho những bạn yêu máy móc, lắp ráp. Cơ hội việc làm cũng như nguy cơ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Bạn cũng có thể học trung cấp hay cao đẳng nghề đào tạo ngắn hạn nếu như muốn ra trường có ngay việc làm, không hẳn là cứ nhất thiết phải đào tạo đại học vì yêu cầu kinh nghiệm đối với ngành này là khá cao.
5. Ngành Marketing
Những công ty quảng cáo, truyền thông tại Việt Nam đang ngày càng nhiều. Những xu hướng thay đổi kinh tế cũng như cách mà các nhà đầu tư đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng ngày một khác để có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ. Vì vậy những công ty ấy cần phải có một đội ngũ chuyên tiếp xúc với khách hàng, có những sáng tạo để tiêu thụ được sản phẩm. Ngành học Marketing đã và đang làm thỏa mãn những yêu cầu trên của các công ty. Quan trọng không kém là mức đãi ngộ của các công ty ấy thường rất cao tùy vào quy mô của công ty lớn hay nhỏ. Không những vậy xu thế hòa nhập toàn cầu đang rất nóng nên ngành marketing chính là ngành dễ xin việc nhất hiện nay. Với những yêu cầu về trình độ tiếng Anh và những kĩ năng cơ bản bạn hoàn toàn có thể tìm cho mình một công việc ưng ý.
6. Ngành kinh doanh xuất nhập khẩu
Nhìn những thông tin như: “xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 4,9%”, “xuất khẩu thủy sản vượt ngưỡng 12 tỷ USD hay “Việt Nam năm 2015 xuất khẩu 6 tấn gạo”, “Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN về nhập khẩu thép” thì chúng ta cũng một phần nào biết được ngành xuất khẩu ở Việt Nam phát triển như thế nào. Với những ưu điểm về đường biển, cảng biển thì ngày càng nhiều công ty đầu tư cho Việt Nam, ngày càng nhiều trung tâm kinh tế xuất hiện trên đất nước hình chữ S. Cơ hội đưa kinh tế Việt Nam đi lên, thu lợi nhuận khủng, có tên trong các bảng xếp hạng thế giới là cơ hội mà bao nhiêu doanh nghiệp đang triệt để tận dụng. Làm nhân viên cho các doanh nghiệp đó hoặc vào làm trong các bộ phận nhà nước cũng là cơ hội của các bạn. Chắc hẳn bạn sẽ khá lạ lẫm với ngành này.
7. Ngành xây dựng
Việt Nam chúng ta hiện nay đang không ngừng đi lên và đổi mới, nhiều công trình kiến trúc ra đời mang tầm cỡ quốc tế. Từ nhà cao tầng, nhà ở cho đến căn hộ, công trình đường bộ, đường sắt ngày càng nhiều. Nhu cầu tìm kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư của các công ty, nhà thầu cũng nhân lên. Điển hình như số lượng công ty xây dựng tìm nhân lực lên đến 1526 tính đến năm 2016. Từ những thông tin trên cho thấy ngành nghề này đang rất phổ biến và cơ hội cho các bạn cũng rất cao. Đầu tư cơ sở hạ tầng là việc làm bức thiết và được chú trọng hàng đầu. Chúng ta không ngừng xây dựng và tân tạo các công trình kiến trúc theo nhiều mục đích khác nhau – phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu dân sinh hay bảo tồn nét văn hóa của dân tộc – tất cả đều yêu cầu một lực lượng kỹ sư xây dựng dồi dào và trình độ chuyên môn đáp ứng đúng theo nhu cầu phát triển của đất nước.
Trên đây là những ngành học yêu cầu nhân lực cao ở Việt Nam. Là những ngành giúp các bạn dễ kiếm được cơ hội việc làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay. Phải thừa nhận rằng chúng ta đang gặp phải bài toán khó về lao động và việc làm, ngành nghề nào rồi cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Khi mà đất nước đang thừa về “số lượng” thì chất lượng chuyên môn là điều cạnh tranh trong tuyển dụng. Bạn học ngành nào cũng được, miễn bạn có đam mê và đáp ứng được yêu cầu trình độ thì chắc chắn bạn sẽ tìm kiếm được cho mình một việc làm ưng ý.
Theo Nguyễn Huy / Trí Thức Trẻ