Mỗi bức ảnh là một câu chuyện ấm áp, đầy cảm động về những con người với nghị lực phi thường và niềm lạc quan rất đẹp. Dù cơ thể chẳng lành lặn, nhưng hãy cứ vui lên, đơn giản là “vì tôi còn sống”.
Hình ảnh bé gái Trần Thị Hiếu Thảo (trú tại ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đang tự xúc cơm khiến nhiều người cảm động. Năm 2010, bé Thảo chào đời nhưng hình hài không trọn vẹn. Khi 10 tháng tuổi, bố Thảo không may bị tai nạn giao thông qua đời. Nhà nghèo, không đất sản xuất nên mẹ bé gửi con cho ngoại để đi Bình Dương làm công nhân. Không đầu hàng số phận, Thảo tự tập viết chữ bằng tay, bằng miệng, tự xúc cơm ăn mà không cần ai giúp…
Bé Hà Văn Tài, sinh năm 2006 (trú tại xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) sinh ra đã không may mắn, thân thể em không có đôi tay, chỉ có đôi chân bên ngắn, bên dài… Chỉ có bà ngoại là người thân duy nhất nhưng Tài rất biết nghe lời, chăm chỉ và chịu khó. Không có đôi tay, em sử dụng đôi chân dẻo dai, linh hoạt của mình để làm tất cả mọi việc. Trong ảnh, cậu bé Tài đang tự mình viết những nét chữ nắn nót bằng đôi chân.
Bụ bẫm, tinh nghịch và lúc nào cũng cười đùa vui vẻ hồn nhiên, đó là cô bé “chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương (trú ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM). Bé là con gái thứ hai của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi và chị Trần Thị Cẩm Giang. Em sinh ra đã không có chân tay do di chứng của chất độc da cam.
Cô bé Lê Thị Thắm (trú tại thôn 9, Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) khiến bao người cảm phục vì “tinh thần thép”. Chỉ bằng đôi chân, Thắm đã tập luyện, viết được chữ, soạn thảo thành thạo văn bản trên máy vi tính, chải tóc, nhặt được rau cho mẹ và nhiều công việc trong sinh hoạt thường ngày.
Tạo hóa đã không cho cậu bé này một cơ thể hoàn thiện như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu. Đó là cậu bé “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh sinh năm 2001 tại vùng quê nghèo ở xã Gia Canh, huyện Đình Quán, tỉnh Đồng Nai. Em sinh ra với thân thể không lành lặn, không có tay nhưng bù lại Hạnh có đôi chân dẻo dai và khéo léo. Mọi công việc dù nặng nhọc tới đâu, Hạnh cũng cố gắng thực hiện cho bằng được…
Bị cụt tay phải nhưng chị Bùi Thị Thanh Thủy hàng ngày vẫn miệt mài với vai trò công nhân công ty TNHH Chang Shin Việt Nam, tỉnh Đồng Nai. Người phụ nữ này đã vượt lên tất cả những khó khăn trong cuộc sống để kiếm tiền và đi lên bằng chính sức mạnh, nghị lực của mình.
Lê Minh Châu, chàng trai 25 tuổi lớn lên tại Làng Hòa Bình (nơi chăm sóc những đứa trẻ bị chất độc da cam tại TP. HCM) đã thực hiện thành công ước mơ cháy bỏng trở thành họa sĩ và nhà thiết kế thời trang để đưa sản phẩm của mình ra với thế giới. Dù cơ thể không trọn vẹn nhưng chàng trai nghị lực này vô cùng tài năng, đặc biệt là thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật. Bộ phim kể về hành trình vươn lên của anh mang tên “Chau, Beyond the Lines” đã lọt vào danh sách 5 đề cử chính thức giải Oscar 2016 ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất.
Cụt hai chân, đi lại khó khăn, thế nhưng chàng trai dũng cảm Hoàng Lê Anh Tú vẫn kiên cường vươn lên. Hiện anh đang đảm nhiệm vai trò công nhân bắn nhám tại công ty TNHH San LimFurniture Việt Nam.
Ngọc Bảo – chàng trai sinh ra ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trong gia đình có 3 anh chị em, nhưng số phận đã không mỉm cười với Bảo khi anh mắc căn bệnh phù chân voi từ bé. Với phương châm sống: “Khuyết tật về cơ thể chứ không khuyết tật về ý chí”, chàng trai này chưa bao giờ nản lòng với đam mê thể thao của mình.
Chỉ với một tay còn lành lặn, 30 năm qua, ông Huỳnh Văn Đôn, sống tại Thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn hàng ngày đóng gói rồi kéo từng xe trấu vài trăm kg đi bán để mưu sinh. Tai nạn lao động năm 15 tuổi tại nhà máy xay xát lúa gạo đã cướp đi cánh tay phải của ông. Dù vậy những khiếm khuyết trên cơ thể vẫn không khiến ông nản lòng. Người vợ đau ốm liên miên, người con trai bị bệnh tâm thần nhẹ và đứa cháu ngoại mồ côi cha là nguồn động lực để ông luôn vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2000, một tai nạn giao thông kinh hoàng đã khiến cô bé Tiền Hồng Diễm, 4 tuổi phải cắt bỏ toàn bộ phần thân dưới từ xương chậu trở xuống và trở thành người tàn tật. Ông nội của Hồng Diễm đã cắt một quả bóng rổ lắp vào người cháu gái để cô bé di chuyển thuận lợi hơn, vì vậy Tiền Hồng Diễm còn có biệt danh là “cô gái bóng rổ”. Không chịu đầu hàng trước số phận, Hồng Diễm đã chăm chỉ luyện tập bơi lội, bộ môn thể thao mà cô cực kỳ có năng khiếu, và trở thành một vận động viên Paralympic Games nổi tiếng ở Trung Quốc.
Cô Linda, 37 tuổi, sống tại Chicago, sinh ra vốn đã không có đôi tay do mắc một căn bệnh di truyền hiếm gặp có tên Hội chứng Holt-Oram. Tuy nhiên, cô Linda quyết không đầu hàng số phận và đã sử dụng đôi chân thay cho tay trong những công việc hàng ngày như nấu ăn, rửa bát, dọn giường… Con trai cô, bé Timmy, 11 tuổi cũng bị mắc Hội chứng Holt-Oram giống mẹ. Cậu bé kiên cường đã học được tinh thần chiến đấu kiên cường của mẹ, quyết không để bệnh tật làm nhụt chí. Timmy có thể bơi lội, tập võ và chơi điện tử… như tất cả bạn bè cùng trang lứa.
Cho dù phải đối mặt với biết bao khó khăn trong cuộc sống, thậm chí còn chẳng được ăn no mặc ấm và thay vì được cắp sách đến trường giống như các bạn cùng trang lứa, cậu bé nhà nghèo ở Campuchia phải làm đủ thứ việc nặng nhọc, thế nhưng nụ cười tươi tắn vẫn luôn nở trên môi.
Ở Hàn Quốc, một cậu bé dị tật bẩm sinh – Yu Tae-ho không có cánh tay và chỉ có 4 ngón chân trên mỗi bàn chân nhưng có thể tự làm rất nhiều việc, không những thế, trong hơn chục năm qua cậu bé khuyết tật này luôn tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống. Yu Tae-ho thực sự đã làm được những điều đáng kinh ngạc và mang đến nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho những bạn nhỏ khuyết tật và mồ côi cùng chung cảnh ngộ như cậu.
Lúc mới ra đời, cô bé người gốc Trung Quốc Annie Clark, đến từ Pittsburgh, bang Pennsylvania, đã không có bàn tay. Tuy nhiên điều đó không thể ngăn cản được niềm đam mê của em đối với học hành. Annie đã giành được giải nhất trong cuộc thi viết chữ đẹp Nicolas Maxim vào năm 2012 và nhận được phần thưởng trị giá 1.000 USD (tương đương 22,3 triệu đồng).
Cô Jessica Cox ở Arizona, người Mỹ, khi vừa sinh ra đã không có hai tay, tuy nhiên, cô đã dùng tinh thần lạc quan và nghị lực sống tuyệt vời để vượt lên tất cả mọi hạn chế của bản thân. Jessica đã tốt nghiệp Đại học ngành Tâm lý học và là một cựu vũ công. Cô gái có đai đen Taekwondo này có thể viết, lái xe, chải tóc, trang điểm, nói chuyện điện thoại… bằng cách sử dụng chân. Jessica cũng có thể gõ 25 từ một phút trên bàn phím máy tính bằng chân. Để thỏa mãn đam mê chinh phục bầu trời, Jessica đã cố gắng dành lấy học bổng Able Flight. Cô chính thức trở thành phi công từ ngày 10/10/2008, sau 3 năm cần cù học lái máy bay dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Parrish Traweek.
Liêu Trí, sinh năm 1985, từng là một vũ công giỏi và là một cô giáo dạy khiêu vũ. Năm 2008, trận đại động đất Tứ Xuyên đã chôn vùi cô gái trẻ suốt 26 tiếng đồng hồ, đồng thời khiến cho cuộc đời của cô thay đổi hoàn toàn: mất con gái, mất vị hôn phu và mất đi đôi chân của mình. Tuy nhiên, cô gái đầy nghị lực đã không đánh mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Cô vẫn tiếp tục con đường sự nghiệp khiêu vũ mà mình đã theo đuổi suốt bao năm qua trên đôi chân giả và trở thành một biểu tượng cho tấm gương vượt lên số phận. Không những vậy, cô gái giàu lòng nhân ái còn rất nhiệt tình tham gia tình nguyện, cứu trợ cho người dân ở những vùng đất không may gặp thiên tai.
Sarita Dwivedi, 24 tuổi, ở huyện Fatehpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Năm 4 tuổi, Sarita không may bị mất đi đôi tay và chân phải trong một vụ tai nạn, thế nhưng, điều đó không hề ảnh hưởng đến niềm đam mê hội họa của cô gái trẻ. Sarita đã cho mọi người thấy bản thân là một người “tàn nhưng không phế”, cô đã nỗ lực dùng bàn chân và hàm răng của mình để vẽ nên những tác phẩm tuyệt đẹp.
Nicholas James “Nick” Vujicic, sinh năm 1982, là một người truyền bá Phúc Âm và nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc gốc Serbia. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Từ thuở ấu thơ, anh đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác, nhưng rồi cuối cùng anh đã quyết định đối mặt với khuyết tật của mình. Vujicic đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết, truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hy vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Anh đã tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn thuyết gia nổi tiếng về chủ đề làm chủ cuộc sống.
Cách đây 47 năm, ông Lê Kiệt Văn đã bị mất đi hai chân trong một tai nạn khủng khiếp, thế nhưng “người đàn ông khổng lồ” theo cách gọi của bà con ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc lại có một sức sống mạnh mẽ và trở thành nguồn cảm hứng sống cho những người khuyết tật như ông. Tất cả những công việc nặng nhọc như cấy lúa, leo cầu thang, tải gạo, đi cày… đều chẳng thể làm khó được người đàn ông khuyết tật mất hai chân này.