Chúng ta – những người trẻ dần quen với lối sống về đêm, khi mà việc đi ngủ sớm hay ăn uống đúng bữa vô hình trở thành điều gì đó “xa xỉ”. Chúng ta có nhiều sự ưu tiên khác quan trọng hơn so với vấn đề sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Nhưng chính thực trạng chung đó dẫn đến nhiều hệ quả không hay sau này.
Những chia sẻ của Bảo Yến – một giáo viên trẻ mới 24 tuổi vừa phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 3 mới đây đều khiến người trẻ trăn trở về thói quen sống hàng ngày. Thức khuya, ăn uống linh tinh, lười khám sức khoẻ,… dù những yếu tố này không trực tiếp gây ra ung thư, nhưng gián tiếp ảnh hưởng tới tình trạng sức khoẻ chung.
Chúng ta – những người trẻ dần quen với lối sống về đêm, khi mà việc đi ngủ sớm hay ăn uống đúng bữa vô hình trở thành điều gì đó “xa xỉ”. Chúng ta có nhiều sự ưu tiên khác quan trọng hơn so với vấn đề sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Nhưng chính thực trạng chung đó dẫn đến nhiều hệ quả không hay sau này.
Mới đây nhất, chia sẻ của Nguyễn Thanh – cô gái trẻ vừa trở về từ “cửa tử” một lần nữa đánh đồng tất cả chúng ta về cách sống, cách sinh hoạt hàng ngày.
Mục lục:
Thức khuya, thường xuyên bỏ bữa sáng, cô gái trẻ chậm chút nữa là đột tử
Chúng ta vẫn luôn trong một tâm thế “bình chân như vại”, lì lợm, thậm chí bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, cho đến khi người rơi vào hoàn cảnh đó là chính mình.
“Thực sự quá may cho mình khi đã đi khám để được theo dõi kịp thời, để lâu chút nữa là đột tử rồi… Đọc nhiều nghe nhiều nhưng mình vẫn lì, ỷ y chắc không sao cũng không nghĩ mình sẽ bị”.
Thanh là một người thường xuyên nhịn ăn sáng, thức khuya và giờ thì những thói quen đó đã có những biến chứng như ói ra máu, ói thường xuyên, đau đầu, choáng váng, chóng mặt, lâu lâu nhói tim. Bác sĩ thăm khám và phát hiện ra một loạt bệnh: Rối loạn chức năng tiền đình, viêm dạ dày và tá tràng, thiếu máu do thiếu sắt, bệnh cơ tim do thiếu máu trầm trọng, đau bao tử.
“Em chỉ mong mọi người đừng như em đau lắm… giống như chết đi sống lại vậy đó. Em sợ lắm rồi” – Thanh nhấn mạnh.
Những dòng chia sẻ của Thanh trên một diễn đàn mạng xã hội thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn bạn trẻ. Qua câu chuyện này, chúng ta nhận ra không chỉ riêng Thanh mà rất nhiều trường hợp khác cũng đang “nhởn nhơ” với sức khoẻ của mình. Cả Thanh và cô giáo Bảo Yến đều là những người còn rất trẻ, nhưng đang phải chịu những hậu quả không ngờ từ chính cách sống, lối sống có phần buông thả hiện nay. Điều này khiến chúng ta giật mình nhìn lại, liệu có phải từ trước đây người trẻ đang quá coi thường sức khoẻ.
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dạo với những bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 – 27. Đặc điểm chung của họ đều còn rất trẻ, nhưng bỏ bê, không quan tâm sức khoẻ, thường xuyên thức khuya, ăn uống linh tinh. Và đặc biệt, phải nhiều năm rồi chưa đi khám tổng thể.
Tuổi trẻ chỉ có một lần, sẵn sàng đánh đổi để làm điều mình thích
Anh Giang (26 tuổi) hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Vì tính chất công việc nên anh thường xuyên thức khuya đến 2-3h sáng, thậm chí những hôm chạy deadline chấp nhận thức xuyên đêm. Tất nhiên với lượng công việc quá lớn, sáng hôm sau, anh mệt mỏi, uể oải và không thể tập trung trong công việc.
“Có những ngày nếu kịp anh sẽ ăn sáng, còn không nếu ngủ dậy muộn quá, sát giờ check-in thì anh chạy thẳng lên cơ quan luôn. Tuy biết là mệt, nhưng vì cuộc sống phải quen đi, không kêu ca được”. Anh Giang kể thêm, anh có sở thích nấu ăn, nhưng khi nào có cơ hội, chính xác là thời gian rảnh, anh sẽ nấu. Hầu hết anh đều ăn ngoài… cho nhanh!
Tình trạng thực phẩm bẩn, phun thuốc trừ sâu, anh Giang biết điều này và cũng có chút sợ hãi. Tuy nhiên, hiện tại anh thấy khoẻ lắm và chưa cần đi khám sức khoẻ.
“Anh chưa bao giờ chủ động đi khám. Anh đọc nhiều bài viết chia sẻ về thói quen của giới trẻ hiện nay, anh không lo lắng cho chính mình mà quan tâm tới đồng nghiệp nhiều hơn. Anh vẫn rất khoẻ. Anh thấy từ chuyện mọi người hay thức đêm, ăn đồ ăn linh tinh là một trong những nguyên nhân dẫn tới ung thư. Anh rất muốn thay đổi, nhưng lại có nhiều trăn trở cho tương lai. Bây giờ trong tay anh chưa có gì, mà tuổi trẻ không hy sinh chút thì làm sao lo được cuộc sống sau này”.
– “Nghĩa là anh chấp nhận đánh đổi sức khoẻ để đổi lại một tương lai tốt đẹp?”
– “Đúng! Mình chỉ có một vài năm tuổi trẻ. Anh chấp nhận hy sinh và anh biết cứ cố gắng, thành quả sẽ đến với anh”.
Anh Tuân, nhân viên văn phòng, 28 tuổi, có thói quen thức khuya tới 3-4h sáng. Cũng như bất kỳ ai phải thức khuya làm việc, buổi sáng hôm sau tỉnh dậy rất mệt mỏi và vật vờ. Khi được hỏi, liệu có chấp nhận thay đổi công việc, thay đổi môi trường để có thể xây dựng lại đồng hồ sinh học chuẩn chỉnh hơn, anh Tuân cho biết, anh thường làm rất nhiều việc, dù thay đổi công việc hiện tại, anh vẫn sẽ thức khuya cho những nghề khác nữa.
“Do áp lực của việc kiếm tiền, kể cả thay đổi công việc, anh vẫn sẽ phải thức khuya. Bữa sáng hầu như anh không ăn vì anh ngủ đến 9h. Thành thử, cả buổi chiều hôm sau anh không còn sức. Anh thường xuyên ăn ngoài, một tháng ăn cơm nhà chỉ 4-5 bữa. Anh biết lối sống hiện tại không tốt, sẽ có nhiều tác hại cho bản thân, nhưng do cuộc sống ép buộc nhiều cái. Cuộc sống hiện tại mình làm không đủ sống nên phải bỏ sức lao động ra làm việc khác để kiếm thêm tiền”.
2-3 năm nay anh Tuân chưa đi khám sức khoẻ. Anh không biết cơ thể mình có vấn đề gì hay không. Dạo này anh hay ốm vặt và cũng dự tính sắp xếp thời gian đi khám tổng thể trong thời gian tới.
“Tuổi trẻ mà em, mình làm được bao nhiêu nên phải cố gắng. Sau này không đủ sức khoẻ không thể làm việc mình muốn. Mặc dù anh biết việc thức khuya, không ăn sáng là có hại, nhưng do áp lực công việc, do tác động nhiều yếu tố bên ngoài, có lẽ thời gian sắp tới xem xét lại vấn đề để cải thiện” – anh Tuân kết luận.
Tụt huyết áp, ngất xỉu, truyền nước do thức khuya
Lan, 22 tuổi, từng bị tụt huyết áp nhiều lần do thói quen bỏ bữa sáng. Cô gầy đi, mệt mỏi do những đêm thức tới 2-3h sáng. Hôm nào ngủ được từ 11, 12h là hôm sau khoẻ khoắn hơn. “Mình không thể đánh giá lối sống của người trẻ ngày nay vì cuộc sống buộc họ phải thế, tuỳ từng người, từng công việc. Nhưng nếu mọi người có ý thức bảo vệ sức khoẻ, sắp xếp được thời gian để có cuộc sống khoa học hơn thì tốt”.
Cũng giống Lan, Trang (22 tuổi) thường xuyên thức khuya. Thậm chí có những hôm vượt qua “ngưỡng” giờ cố định, không thể ngủ được, Trang thức tới lúc nào mệt quá thì mới có thể ngủ được.
“Mình khá lo lắng cho sức khoẻ. Trước đây mình làm việc mệt quá, lại thức khuya, không có gì ăn, sau đó đến công ty rất uể oải. Mình đọc nhiều bài chia sẻ cảnh báo về tình hình hiện nay, cũng cảm thấy “chột dạ”, lo lắng hay bản thân mình cũng bị bệnh rồi muốn đi khám sức khoẻ. Mình nghĩ sẽ phải thay đổi vì bản thân” – Trang chia sẻ.
“Với anh, thời gian thức muộn nhất là 1-2h sáng. Công việc chưa xong thì chưa thể đi ngủ được. Trước kia anh hoàn toàn ăn ngoài, nhưng từ khi lấy vợ thì về nhà ăn cơm nhiều hơn” – anh Quang Lê (28 tuổi, nhân viên văn phòng) kể. Lâu lắm rồi, chắc cũng vài năm, anh Quang không có khái niệm “khám sức khoẻ”. Thời gian gần đây, nhiều bài viết đánh đồng tới lối sống dành cho giới trẻ, anh nghĩ cần phải thay đổi vì cách sinh hoạt hiện tại đang bào mòn sức khoẻ của chính anh mỗi ngày.
“Anh chưa chủ động được nhiều trong công việc, không phải hết 8 tiếng rồi về, anh làm đêm thường xuyên. Xung quanh anh, tất cả đồng nghiệp đều thức khuya như thế. Anh nghĩ mọi người phải cùng nhau thay đổi, khi tất cả cùng làm việc đúng giờ, đi ngủ sớm thì sẽ có cách sống tốt hơn” – anh Quang nói.
Anh Quỳnh (29 tuổi) tự nhận mình là một “bad boy” thời nay: thức khuya 4, 5h, có hôm 8h sáng, hút thuốc lá, không tập thể thao, hay cáu giận. Một lần vì bỏ bữa sáng, anh Quỳnh phải nhập viện truyền nước.
“Cảm giác mình thức khuya thì suy nhược thật, nhưng công việc quen thế rồi, điều chỉnh lại sợ ốm tiếp. Cả đời chưa đi khám sức khoẻ bao giờ. Anh ngại, muốn đi khám mà chả biết khám ở đâu, bao nhiêu tiền hay khám cái gì nữa. Sức khoẻ cảm giác rằng khá tệ, đi khám chắc sẽ lôi ra được cả tá bệnh. Khám vừa tốn tiền, vừa biết bệnh lại buồn bã, thà không biết còn hơn. Cả bố, ông nội và bà đều mất vì ung thư 10 năm nay…”.
Chuyên gia cảnh báo về thói quen thức khuya của giới trẻ
Trước kia, Linh (23 tuổi) thường đi ngủ vào lúc 2h sáng. Thời gian gần đây, Linh phấn đấu ngủ sớm khoảng 23h, chịu khó nấu ăn được bữa nào càng tốt, hạn chế trà sữa, đồ ngọt. “Lúc đọc được bài chia sẻ của nhiều người trẻ, mình hoang mang quá. cảm giác như họ đang nói từ mình ra, mình lo sợ, không biết nói cùng ai, và tự trấn an “dạo này mình cũng đỡ đỡ rồi”. Mình và các bạn có hẹn nhau đi khám sức khoẻ vì cả lũ cũng sợ chết sớm”.
“Sau một thời gian thức khuya bị béo, xấu, cảm thấy cơ thể không đúng sinh hoạt mệt mỏi, vật vờ, mình bắt đầu học cách ngủ sớm” – Thoa (24 tuổi) kể. “Mình chưa cần đọc mấy bài trên mạng xã hội đã tự cảm nhận đó là những dấu hiệu không tốt cho cơ thể, mình phải sửa đi thôi, tự xây dựng thói quen lành mạnh thì sẽ tự quản lý được công việc của mình nữa”.
Theo giới chuyên gia, cơ thể mỗi người thường hoạt động tốt nhất vào buổi sáng. Nếu không ăn sáng, cơ thể bắt buộc phải lấy đường dự trữ từ trong gan. Nếu cách bữa ăn quá xa, đường dự trữ trong gan hết, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng rệu rã, mệt mỏi, làm việc không hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị thông tin, hiện nay, thức khuya là thói quen khó bỏ của không ít bạn. Nào là bạn phải ôn thi, hoàn thành deadline, cày game, xem nốt phim hay tán gẫu dở câu chuyện… Rồi các quán cafe mở thâu đêm mọc lên ngày càng nhiều và đa phần khách của những quán này đều là người trẻ.
Nhưng bạn tin không, việc thức khuya ảnh hưởng cực nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn, cũng như “con đường tới nghĩa địa đang dần ngắn lại”. Bởi rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ngủ sau 23h đêm sẽ làm biến đổi cơ thể, thay đổi nhịp sinh học, dẫn đến nguy cơ làm hỏng 1 số cơ quan trên cơ thể. Việc thức khuya đang thực sự đáng báo động!
Làn da xỉn màu, chóng già: Đây được cho là tác hại nhìn thấy ngay khi bạn hay ngủ muộn. Làn da luôn nhợt nhạt, không có sức sống, dễ nổi mụn, mắt thâm quầng, nếp nhăn xuất hiện nhiều vô kể… Nhất là với điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam, việc da “bùng phát” mụn càng dễ xảy ra hơn. Đó là bởi khoảng thời gian 23h – 4h sáng là thời điểm tế bào da tái tạo với tốc độ nhanh gấp 2, lượng collagen sản sinh lúc này cũng “tăng tốc” mạnh giúp tiêu diệt chất có hại, phục hồi tế bào tổn thương.
Như nói ở trên, việc tích tụ quá nhiều chất độc hại trong não sẽ khiến não bộ bị quá tải. Và hệ quả đầu tiên trong việc này là suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu của ĐH California, Los Angeles đã chỉ ra, tỉ lệ suy giảm trí nhớ ở người có thói quen thức khuya, ngủ muộn cao gấp 5 lần so với người bình thường. Đây là “kẻ thù” số 1 gây nên tình trạng hay quên, nhớ sai, nhớ nhầm, mất tập trung, không đủ minh mẫn để giải quyết công việc.
Cùng với đó, khi bạn ngủ muộn, hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể vẫn buộc phải duy trì trạng thái hưng phấn, khiến cho ngày hôm sau, chúng sẽ rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng do làm việc quá sức vào hôm trước. Do đó, ngủ đủ giấc, ngủ sớm là điều kiện tiên quyết giúp não bộ khỏe mạnh, ngăn chặn bệnh suy giảm trí nhớ. Mà trí nhớ đã giảm sút, tinh thần uể oải, mất tập trung thì khả năng sáng tạo của bạn cũng gần như bằng 0.
Giáo sư Francesco Cappuccio thuộc ĐH Warwick đưa ra kết luận việc thiếu ngủ dễ gây đột quỵ, bệnh tim mạch sau khi tiến hành nghiên cứu của mình. Theo ông, việc thức quá muộn, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm và giấc ngủ bị xáo trộn thì bạn có tới 48% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 15% nguy cơ tử vong vì một cơn đột quỵ. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, những người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ/đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 4,5 lần so với những người ngủ 7 – 8 giờ.
Đêm là lúc nhịp tim hạ thấp xuống, mạch máu cũng hoạt động chậm lại, cơ thể hoàn toàn phù hợp với trạng thái nghỉ ngơi. Nếu bạn vẫn ngoan cố thức khuya triền miên – đây được coi như quả bom nổ chậm cho sức khỏe con người.
Cần khẳng định rằng, rất nhiều yếu tố miễn dịch được hình thành trong giấc ngủ. Nếu thức suốt đêm dài, khả năng miễn dịch tất yếu sẽ bị sa sút, gây mệt mỏi, không tạo ra được những kháng thể và tế bào chống lại sự xâm nhập của kháng nguyên lạ, bất thường. Đặc biệt, phái đẹp thức khuya, làm việc, sinh hoạt dưới ánh đèn còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần so với những người đi ngủ sớm.
Được sản xuất bởi não trong thời gian ngủ, melatonin – nội tiết tố tự nhiên có tính chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa thiệt hại cho các tế bào có thể dẫn đến ung thư. Ngoài ra, melatonin làm giảm sự sản xuất estrogen từ buồng trứng. Do đó, việc thiếu ngủ dẫn đến việc sản sinh melatonin quá ít, khiến lượng hormone estrogen ở phụ nữ quá cao, tăng nguy cơ ung thư vú.
Bác sĩ Mai Hương còn chia sẻ 1 tác hại của việc thức khuya đó là ảnh hưởng tới tâm lý, dễ nổi cáu, hoang tưởng, ảo giác. Lý do của điều này vẫn nằm ở não bộ. Não bộ làm việc quá tải, không được nghỉ ngơi dễ rơi vào tình trạng stress, tinh thần không thoải mái khiến bạn nhiều khi hành xử thiếu kiềm chế, và việc cáu giận, ảo giác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Trí thức trẻ