7 tuổi: Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng…

Vụ việc cậu bé Yamato Tanooka sống sót sau 6 ngày trong khu rừng đầy gấu đã khiến nhiều người kinh ngạc và họ tự hỏi: trẻ con Nhật Bản đã học được điều gì ngay từ khi còn nhỏ để làm được như vậy.

 

Mới đây, vụ việc cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi thoát chết sau 6 ngày mất tích trong khu rừng đầy gấu tại Nhật Bản đã khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Xen lẫn với niềm vui mừng khôn xiết khi cậu bé đã bình an vô sự là thái độ đầy thán phục trước khả năng, mà nhiều người không nói ngoa là phi thường của đứa trẻ.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 1.

 Chú bé dũng cảm Yamato Tanooka đã trở về

Yamato được phát hiện sau 6 ngày mất tích mà không có những vết thương nặng ngoài cơ thể, tinh thần thoải mái và không tỏ ra sợ hãi hay lo lắng gì nhiều. Bé vẫn bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của cảnh sát, thi thoảng cái bụng chỉ khẽ réo nhẹ vì cơn đói sau nhiều ngày lạc bố lạc mẹ. 

Làm sao mà không khỏi ngạc nhiên khi mà tận trong 6 ngày không có sự bảo vệ của bố mẹ, một đứa bé chỉ mới ở ngưỡng đầu của tiểu học có thể tỏ ra thoải mái, điềm tĩnh đến như vậy. Chúng ta cũng đã nghe nhiều về cách giáo dục của người Nhật rồi, cũng biết họ có cách nuôi dạy, phát triển trẻ rất hay.

Và kỳ thực, đúng là phần lớn trẻ em Nhật đều có khả năng sinh tồn rất tốt khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ. Bởi đơn giản là các em đã được trang bị, dạy dỗ bài bản về các kỹ năng ấy như một bài học thiết yếu đầu đời.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 2.

Liệu có phải bất cứ đứa trẻ Nhật Bản nào cũng có thể sống sót một cách đầy kỳ tích như vậy? Có chăng chỉ là do may mắn?

Liệu đó có phải là một phép màu? Và có phải bất cứ đứa trẻ Nhật Bản nào cũng có thể làm được như vậy? 

Có thể là không, nhưng chắc chắn một điều, trẻ em Nhật Bản đã được học những bài học về thái độ tự lập và các kỹ năng sinh tồn cơ bản ngay từ khi còn rất nhỏ để đối phó với những tình huống như này.

Một đất nước của những đứa trẻ tự lập

Ở Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những đứa trẻ đi tàu điện ngầm một mình hay đi xe bus. Chúng đi tất đến đầu gối, giày da đánh bóng, mặc đồng phục với những chiếc mũ rộng vành. Đa phần các em chỉ mới 6 hoặc 7 tuổi và đang trên đường về nhà hoặc tới trường.

Bạn có còn nhớ chương trình “Con đã lớn khôn” trước đây hay chiếu vào tầm 6 giờ tối chiều, trong đó có mấy em nhỏ tự mình đi mua đồ, tự mình hoàn thành những nhiệm vụ bé bé xinh xinh mà gia đình giao phó mà không có bố mẹ đi cùng. 

Và ngạc nhiên là các em đều tự mình hoàn thành tốt chúng!

Các phụ huynh tại Nhật “thả” con cái ra ngoài thế giới từ rất sớm. Thông thường từ 5-10 tuổi, các em nhỏ được ba mẹ cho làm quen với thế giới bên ngoài. Có những đứa trẻ chỉ mới 10, 11 tuổi đã có “thâm niên” tự mình đi học bằng tàu điện ngầm, mà chẳng cần ai đưa đi đón về!

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 3.

 Trẻ nhỏ đi tới trường một mình.

Trẻ em sớm tự lập đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của cả cộng đồng. Không có ngoại lệ nào, kể cả công chúa Nhật Bản cũng được gia đình hoàng gia của mình rèn tính tự lập từ nhỏ, nhưng dưới sự giám sát của những vệ sỹ riêng.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 4.

 Không quá khó để bắt gặp cảnh những đứa trẻ mới 6, 7 tuổi đi tới trường một mình.

Trẻ con Nhật Bản cũng được giáo dục phải tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ tại trường học. Các em phải tự lấy thức ăn và dọn dẹp sạch sẽ, thay vì trông chờ vào các nhân viên căng tin. Mỗi tuần, các lớp sẽ luân phiên nhau dọn toilet trong trường. Điều này sẽ giúp chúng học được cách xoay sở khi gặp những vấn đề khó khăn. 

Nếu từ những việc nhỏ như vậy mà trẻ em không tự mình làm được, chúng sẽ không thể làm được những thứ to tát hơn, người Nhật nghĩ như vậy đấy.

Trẻ con được học kỹ năng sinh tồn từ mẫu giáo

Là một đất nước với nhiều thiên tai, trung bình mỗi năm Nhật Bản phải hứng chịu 1,500 trận động đất lớn nhỏ. Ngay từ khi còn bé, những đứa trẻ tại đất nước này đã phải học cách đối mặt với thiên tai và các thảm họa thiên nhiên.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 5.

 Trẻ nhỏ học cách đối phó với động đất.

Tại các trường tiểu học, trẻ em được tham gia các lớp học giúp học sinh biết mình phải làm gì khi xảy ra động đất. Các giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em các kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trong trường hợp có động đất thật. 

Không chỉ với động đất, trẻ con còn được tham gia diễn tập khi có hỏa hoạn. Thông thường các vụ động đất hay kèm theo hỏa hoạn và sóng thần nên lũ trẻ sẽ được học cách sử dụng các dụng cụ cứu hỏa hay cứu hộ cần thiết. Đi kèm với đó, các em được dạy cách phải giữ bình tĩnh hết mức khi bản thân gặp nạn.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 6.

 Lũ trẻ phải tự mang đồ của mình khi đi leo núi và cắm trại.

Người Nhật còn lồng ghép rất nhiều bài học sinh tồn cho trẻ em thông qua hoạt động đi dã ngoại. Vừa vui, vừa bổ ích, trẻ con sẽ tiếp thu rất nhanh, lại còn được áp dụng thực tiễn các kỹ năng đã được học. 

Các em phải tự mình dựng trại, nhóm lửa, có thể bơi và câu cá dưới sự kiểm soát của giáo viên. Hoặc nếu chẳng may bị lạc, các em sẽ biết đâu là nấm độc để tránh, côn trùng nào cắn gây hại để tự xử lí sơ cứu ban đầu.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 7.

 Các em được làm quen với môi trường sông suối, rừng núi từ khi còn sớm để biết cách đối mặt với vấn đề.

Như Yamato chẳng hạn, em đã áp dụng được những điều đã học được trong trường học để có thể sống sót một cách đầy thần kỳ sau 6 ngày một mình trong rừng.

Không chỉ Nhật, rất nhiều quốc gia có chương trình dạy sinh tồn cho trẻ em

Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản, những trẻ em Mỹ và các nước Châu Âu tham gia các nhóm hướng đạo sinh từ nhỏ để học các kỹ năng sinh tồn cơ bản.

Khi tham gia vào các nhóm hướng đạo sinh, các em được học cách dựng lều, nhóm lửa, sử dụng dao và các dụng cụ an toàn. Những hướng đạo sinh được hun đúc tính tự lập, khả năng gắn kết, yêu thương gia đình nhiều hơn.

Những bài tập và các hoạt động hướng đạo sinh không chỉ giúp các em rèn luyện bản thân mà còn định hướng cho trẻ nhỏ trở thành các nhà lãnh đạo trong tương lai.

Kỳ tích sống sót sau 6 ngày trong rừng, liệu có phải trẻ em Nhật Bản nào cũng có thể làm được? - Ảnh 8.

 Các hướng đạo sinh nhỏ tuổi tại Mỹ được học nhiều bài học có ích.

Trên thế giới, đã có nhiều em nhỏ sống sót diệu kỳ khi lạc tại nơi hoang dã. Năm 2009, cậu bé Grayson Wynne 9 tuổi từ bang Utah, Mỹ đã bị lạc trong vườn quốc gia Ashley 18 giờ. Grayson đã vận dụng kỹ năng sinh tồn học từ chương trình truyền hình nổi tiếng “Man vs Wild” để sống sót.

Đặc biệt hơn là trường hợp của bé Tasha Taylor. Cô bé đã sống sót giữa sa mạc Mexico trong 24 giờ  khi mới chỉ 18 tháng tuổi. Cô bé đã may mắn sống sót, dù cơ thể có những vết bỏng nặng và tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Dù vậy, 6 ngày sinh tồn vẫn là một khoảng thời gian cực kỳ đáng nể thậm chí cả với người lớn. Người Nhật – họ đã dạy dỗ thế hệ trẻ thành công.

Theo Skye / Trí Thức Trẻ