Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 1.

Ở tuổi 15 ăn chưa no, lo chưa tới nhưng cậu học trò lớp 9 ở Huế đã tự tay chế tạo thành công 2 chiếc ô tô điện đa năng từ các thiết bị điện tử mua ở kho phế liệu và những mảnh gỗ bỏ đi.

Từng chế tạo thành công xe điện đa năng cho người khuyết tật

Về xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), hỏi Lê Thanh Ân (SN 2003), cậu học trò chế tạo những chiếc ô tô điện đa năng, mọi người đều hết lời khen ngợi. Từ khi mới học lớp 3, Ân đã có thể làm ra những chiếc ô tô, xe máy, máy bay điều khiển mô hình để chơi. Đặc biệt, chiếc ô tô điện đa năng của nam sinh lớp 9/4, Trường Trung học cơ sở Vinh Thanh đã đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 1.

Chiếc xe ô tô điện bằng gỗ do cậu học trò trung học chế tạo.

Ân là con đầu trong gia đình có 3 anh chị em. Từ nhỏ Ân đã đam mê chế tạo và xem những chiếc ô tô đồ chơi mà bố mẹ mua cho như “báu vật”. Chính vì vậy, em luôn ao ước sẽ sở hữu một chiếc ô tô do chính tay mình tạo ra.

Clip: Nam sinh lớp 9 chế tạo nhiều ô tô điện bằng đồ phế thải. Thực hiện: Hà Nam

Để thỏa niềm đam mê, đầu năm học lớp 7, Ân bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc xe điện đa năng, có thể cắt cỏ, làm đường, phục vụ cho người khuyết tật đi lại.

Chiếc xe có 2 bộ phận chính là chuyển động bằng mô tơ và hệ thống lái. Cạnh vô lăng có 2 công tắc bật đèn pha và đèn xi nhan. Ngoài ra, còn có thêm 2 công tắc, một là nút tắt động cơ, còn lại là điều chỉnh lên xuống phần cắt cỏ và phần chà đường…

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 3.

Chiếc xe điện đa năng dành cho người khuyết tật của Ân đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo huyện Phú Vang và giải khuyến khích cấp tỉnh.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 4.

Không chỉ phục vụ cho người khuyết tật đi lại, chiếc xe còn có thể ứng dụng để cắt cỏ, chà đường…

Nguyên lý vận hành chiếc xe cũng rất đơn giản, chỉ cần mở khóa, nhấn gas rồi gạt cần số tới thì xe sẽ chạy về phía trước và gạt ngược lại thì xe sẽ lùi lại sau. Khi không cần sử dụng đến, có thể tháo bộ phận cắt cỏ trên xe ra để người khuyết tật có thể dùng di chuyển dễ dàng hơn.

Năm 2016, Ân đã đại diện cho huyện Phú Vang tham dự cuộc thi sáng tạo thanh niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên – Huế với sản phẩm “Máy điện đa năng” dùng cho người khuyết tật và vinh dự đạt giải Khuyến khích. Trước đó, sản phẩm này của em cũng giành giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo cấp huyện.

Hoàn thành chiếc “ô tô trong mơ” với 3 triệu đồng

Từ thành công này, Ân tiếp tục mày mò thiết kế mô hình “chiếc ô tô trong mơ” của mình. Sau hơn 3 tuần cần mẫn nghiên cứu và tận dụng đồ phế liệu để chế tạo, chiếc ô tô điện chạy bằng khung gỗ độc đáo của Ân cũng được hoàn thành trong sự trầm trồ thán phục của gia đình và bà con lối xóm.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 5.

Xe có chiều dài khoảng 1,3m, chiều rộng 0,8m, chiều cao 0,5m, chạy bằng bình điện ắc quy 24V, chở được 2 người, với tốc độ 30km/giờ.

Đặc biệt là xe chạy bằng điện nên không có khói bụi và thân thiện với môi trường.

Khung xe được làm bằng những thanh gỗ phế phẩm mà Ân xin từ xưởng mộc của cha. Bình ắc quy được mua lại từ bãi phế liệu gần nhà, còn 4 bánh xe và các phụ kiện khác em tự tìm mua ở “chợ trời”. Chỉ những bộ phận quan trọng để đạt được chất lượng tốt nhất cho xe thì Ân mới mua phụ kiện mới để lắp ráp. Do vậy, tổng chi phí chế tạo nên chiếc xe đặc biệt này chỉ chưa tới 3 triệu đồng.

Chia sẻ về niềm đam mê cũng như quá trình lắp ráp, chế tạo ô tô, Ân cho biết mình gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc. Do phải đi học nên em chỉ tranh thủ thời gian nghỉ để làm. Ngoài ra, ban đầu cha mẹ cũng phản đối việc chế tạo ô tô, bởi sợ em lơ là việc học và không đủ khả năng để làm việc này. Tuy nhiên, khi chiếc xe đi vào vận hành đã xóa tan mọi nghi ngờ trước đó.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 7.

Hiện chiếc xe này được Ân sử dụng để đi lại trong làng xã, đưa đón các em nhỏ đi học, đi chơi và giúp bố mẹ vận chuyển hàng hóa.

“Những kiến thức chế tạo ô tô và các sản phẩm của mình đều do em tự mày mò và tìm học trên internet. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì em gặp rất nhiều khó khăn và phải tháo ra lắp vào nhiều lần những chi tiết thiết kế, tính toán chưa phù hợp. Em mong muốn sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, cũng như nỗ lực cố gắng học tập để sau này trở thành một nhà sáng chế”, Ân tâm sự.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 8.

Với ngọn lửa đam mê khoa học cháy bỏng, Ân đang ấp ủ nhiều mô hình với mong muốn chế tạo thêm nhiều sản phẩm hữu ích.

“Tôi và vợ càng cấm thì nó càng làm”

Nói về niềm đam mê sáng tạo của con trai, ông Lê Thanh Châu (37 tuổi, cha của Ân) cho biết, thời gian đầu, gia đình đều phản đối việc Ân làm ôtô. Tuy nhiên, thấy Ân quá đam mê nên dần dần mọi người mới tạo điều kiện.

“Khi nghe con thủ thỉ xin 3 triệu đồng để mua linh kiện làm ô tô. Tôi và vợ liền phản đối, vì chỉ muốn con chú tâm vào việc học. Nhưng càng cấm nó lại càng làm, còn nhịn cả ăn sáng dành tiền mua đồ về để chế xe ô tô. Thấy con đam mê quá, nhiều đêm còn trốn cha mẹ, lén ngồi chong đèn thiết kế ô tô nên tôi đã đồng ý cho con tiền nhưng vẫn không tin là nó có thể chế được chiếc ô tô như thế này. Đến khi con thành công và lái chiếc ô tô chạy quanh xóm rồi sau đó đạt giải nữa khiến gia đình tôi vui lắm…”.

Nam sinh lớp 9 chế tạo ô tô điện từ gỗ và phế liệu để chở các em nhỏ đi học - Ảnh 9.

Sáng chế ra các đồ chơi điện tử từ khi học lớp 3, với nhiều người, đây quả là một câu chuyện khó tin, tuy nhiên, sự sáng tạo vốn không phụ thuộc vào tuổi tác.

Đặc biệt, ngoài “máy điện đa năng”, “ô tô khung gỗ chạy bằng điện”, Ân còn chế tạo nhiều sản phẩm khác có tính ứng dụng vào đời sống như máy bay điều khiển, xe mô tô, bè cho cá ăn chạy bằng điện. Trong đó, sản phẩm “Tàu chạy trên nước” đã được một người dân nuôi tôm trong địa phương mua về để sử dụng. Hay xe cắt cỏ đã được dùng để cắt cỏ ở sân bóng đá, vệ sinh các con đường ở thôn 5 (xã Vinh Thanh).

Thầy Võ Văn Cần, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vinh Thanh cho biết: “Ân là một học sinh chăm ngoan, lễ phép và rất sáng tạo. Chiếc xe do Ân chế tạo là một sản phẩm tốt, được làm bằng nguyên vật liệu tận dụng từ phế liệu và có tính ứng dụng cao. Tôi tin rằng Ân sẽ tiếp tục phát triển sức sáng tạo và đam mê của mình để đạt được nhiều thành công.”.

Theo http://ttvn.vn