Mấy ngày nay cả Trên lẫn Dưới đều bàn tán xôn xao, tranh luận quyết liệt về công cuộc cải cách giáo dục nước nhà năm 2015. Nhiều buổi hội thảo được tổ chức để đánh giá, phân tích tỉ mỉ thực trạng giáo dục nhằm tham mưu cho các cấp, ban ngành có trách nhiệm ra quyết định đúng đắn.
Tôi cũng theo dõi báo đài về các đề xuất cải cách chính sách lương giáo viên, viết lại sách giáo khoa, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý giáo dục, đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường,… tất cả những yếu tố đó đều đúng và cấp thiết cần làm ngày. Nhưng tôi thấy rất ít ý kiến đề cập đến một nhân tố vô cùng quan trọng, nếu không nếu muốn xem là tối quan trọng trong việc cải cách giáo dục, đó là nhân tố CHA MẸ. Bởi đơn giản giáo dục không riêng chỉ là công việc của nhà trường, thầy cô.
Bài viết này tôi dành riêng cho quý vị phụ huynh đang có con, những người sẽ có con và tất cả những ai tin rằng mình cần quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con cái. Tôi cũng tự hỏi mình lấy tư cách gì để viết khi mà tôi chưa có con, cũng chưa lập gia đình? Thôi thì tự nhận mình là một người có tâm huyết và mong muốn những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ của đất nước mà viết. Không biết vậy có được chấp nhận không? Tôi trăn trở…lo lắng nhiều lắm…thôi thì…cứ viết đại vậy!
Tôi nhận thấy có một sự nghiệp mà người lớn ít để ý, thậm chí xem nhẹ so với công việc kiếm tiền hàng ngày, đó là sự nghiệp LÀM CHA, LÀM MẸ. Có thể do đây là công việc quá đặc biệt: không lương, không người thuê, không thăng tiến, không công ty, không đóng thuế,… thậm chí ngược lại còn hao tốn tiền bạc. Nhưng suy cho cùng, đó là một trong những sự nghiệp mang lại giá trị lớn nhất cho xã hội, thông qua “sản phẩm” mình tạo ra là ai, chất lượng đến mức nào và được xã hội sử dụng như thế nào?
Quý vị phụ huynh cần phải có một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ này. Sản phẩm của người cha người mẹ chính là đứa con. Ít người nhận ra điều đó để thấy được tầm quan trọng của nó. Tôi rất tâm đắc với tư tưởng “Ta là sản phẩm của chính mình” của Thầy Giản Tư Trung, nay xin mạn phép bổ sung thêm một suy nghĩ, đó là “Con cũng là sản phẩm của chính mình”. Câu này đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cha mẹ cũng phải “lao động”, cưu mang chín tháng mười ngày vất vả mới tạo được thành phẩm. Rồi thành phẩm khi xuất xưởng tung ra “thị trường” hoàn chỉnh thì gọi là sản phẩm, thị trường ở đây hiểu là xã hội – nơi sử dụng sản phẩm này. Sản phẩm tốt thì xã hội được nhờ, sản phẩm mà tệ thì xã hội lãnh đủ. Nhiều phụ huynh chỉ xem con là một thành viên của gia đình, một cá thể riêng biệt, điều này dẫn đến thói quen đổ lỗi, không nỗ lực hoặc nỗ lực không tới; rồi để mặc nhiên trách nhiệm ấy lan ra cho xã hội, nhà trường hoặc thậm chí tìm đến các tổ chức đào tạo như một cứu cách cuối cùng. Đành rằng những đối tượng trên cũng có một phần ảnh hưởng đến “sản phẩm” này. Nhưng nghĩ thử xem: Người thầy đầu tiên của các em là ai? Người ảnh hưởng đầu tiên đến các em là ai? Môi trường đầu tiên và quan trọng nhất của các em là ở đâu? Câu trả lời chỉ có thể là gia đình. Nói một cách cụ thể hơn, gia đình ở đây chính là cha mẹ. Phải nhìn nhận như vậy thì mới thấy sự nghiệp sinh con, dưỡng dục con là vô cùng to lớn và quan trọng.
Khi đã nhận thức đúng đắn như trên thì phụ huynh cần chịu trách nhiệm 100% trong quá trình nuôi dạy con. Chịu trách nhiệm 100% tạm hiểu là sự thành bại của con là do cha mẹ; mọi hành vi, lời nói đúng đắn hay sai trái của con cũng xuất phát từ cha mẹ. Tôi nói như thế không có nghĩa là phủ định vai trò thầy cô, bạn bè và xã hội. Tất cả mọi đối tượng đều phải chịu trách nhiệm 100% về phần việc của mình, kể cả các em. Nhưng một lần nữa, cha mẹ vẫn quan trọng nhất.
Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của tác giả Doãn Kiến Lợi trong tuyệt phẩm “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” rằng:
“Mọi tình tiết trong cuộc sống đều có thể trở thành sự kiện hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng, trong giáo dục trẻ em không có chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhỏ đều là “chuyện lớn”, đều có thể phát triển thành một thói quen tốt hoặc tính xấu ở trẻ”.
Thật sự là vậy, khi con hỗn hào, cha mẹ cần xem lại cách mình nói chuyện. Khi con nói dối, cha mẹ hãy tự vấn lương tâm. Khi con không còn muốn tâm sự, chia sẻ với mình, cha mẹ hãy xét cách ta lắng nghe và tôn trọng chúng thế nào,… Tất tần tật mọi thay đổi, biến chuyển của con đều có dấu ấn của cha mẹ. Con trẻ tiếp thu bài học qua chính cách cha mẹ chúng hành xử thường ngày (quý phụ huynh có thể xem thêm clip bên dưới)
Xin nhớ rằng: thông tin và thông điệp là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Chỉ có thông điệp mới có sức mạnh, còn thông tin biết rồi sẽ quên. Thông điệp chính là nhân cách, lối sống và hành động của cha mẹ. Ví dụ thói quen đi làm về phải làm vài ly bia với bạn bè trước khi về nhà mới chịu được; quan niệm dạy con là việc của phụ nữ còn đàn ông lo chuyện ngoài xã hội; bảo con trả lời khách “cứ nói ba mẹ không có ở nhà” trong khi ba mẹ đang ngồi xem ti vi;… Tất cả vô tình mang lại thông điệp tác động đến con trẻ sau này, gây một sự hoang mang giữa điều cha mẹ nói và cái cha mẹ thật sự làm.
Hai điều trên là căn bản nhất mà quý vị phụ huynh cần nhận thức đúng thì mới hành động đúng. Dưới đây là hai phương cách đơn giản nhưng hiệu nghiệm tôi thường chia sẻ với các bậc phụ huynh trong các khóa học của chúng tôi.
Thứ nhất là dành sự quan tâm đủ cho con
Đây là điều biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng biết mà không làm thì xem như không biết. Tôi gọi đó là tình trạng “vật chất hóa tình cảm” mà ngày nay nhiều phụ huynh sử dụng. Con muốn cái gì là có cái đó: muốn xe xịn thì đây xe xịn, muốn ti vi là có ti vi, muốn iphone cũng chẳng tiếc gì, huống chi là một con ipad,… Vậy mà buồn thay, có một thứ con thiếu thốn ở cha mẹ, đó là sự quan tâm, mà cụ thể là thời gian chất lượng bên con. Theo chứng nghiệm của tôi thì khoảng một tiếng mỗi ngày chỉ có ta và con là tốt rồi. Cha mẹ có thể cùng học với con, cùng đi dạo, đi chơi, trò chuyện, ăn cơm gia đình,… Đây là thứ lẽ ra cha mẹ dễ dàng cho con thì lại trở nên khó thực hiện nhất trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Rồi nhiều cha mẹ phải “nhờ” vật chất để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Khi đã không dành đủ thời gian bên con thì làm sao hiểu được con, rồi khi các em làm gì đó không vừa ý thì lại la mắng, đánh đập. Càng thiếu thời gian bên nhau tâm sự thì trẻ càng có khuynh hướng im lặng, chẳng muốn nói gì khi ở cạnh cha mẹ. Để rồi ngày nào đó phát hiện ra những bí mật mà bạn bè chúng ai cũng biết, trừ cha mẹ.
Ngày nay trẻ vô tình được “giáo dục” bởi Internet, ti vi, phim ảnh,… nhiều hơn là cha mẹ. Mà ở các phương tiện ấy, sức cám dỗ của những điều tiêu cực lớn hơn nhiều so với tích cực. Với định hướng mù mờ, nội lực yếu ớt thì các em làm sao chống chọi nổi, để rồi sa ngã lúc nào không hay. Không những thế, một số bậc phụ huynh sẵn sàng trả tiền để khoán luôn cho những đơn vị khác đảm trách phần việc giáo dục con, ví dụ cho chúng vào trường nội trú từ nhỏ (một tuần hoặc một tháng về nhà một lần). Hoàn cảnh chẳng đặng đừng thì mới phải chọn giải pháp ấy, còn không thành thật tôi chẳng ủng hộ điều đó chút nào. Nếu cho con học nội trú mà ý thức được vai trò làm cha làm mẹ để vẫn quan tâm đủ đến con thì cũng chấp nhận. Nhưng giao hẳn cho nhà trường muốn làm gì thì làm thì chẳng khác nào là thiếu trách nhiệm với con, hay đúng hơn với chính “sản phẩm” của mình. Thật là buồn!
Tuy nhiên tôi cũng muốn nói rõ là dành sự quan tâm cho con không có nghĩa là cứ phải bên cạnh con mãi, đưa đón con mọi nơi mọi lúc, theo dõi sát sao lịch trình học hành, thư giãn, đi chơi của con. Cái đó tôi gọi là “cầm tù” con. Tôi từng gặp một số phụ huynh đã làm thế, rồi muốn tôi tư vấn cách nào để giúp trẻ tự lập hơn, khỏi lệ thuộc vào cha mẹ??? Tôi hiểu cũng vì thương con quá mà nhiều bậc phụ huynh trở nên vậy, nhưng tiếc là cách thương ấy không phù hợp. Cha mẹ cần đủ tinh tế để nhận ra lúc nào cho con có những khoảng riêng, lúc nào là bờ vai để con tựa vào. Bởi thế mà người ta nói dạy con là cả một nghệ thuật.
Thứ hai, đó là dưỡng dục con với tình yêu thương và sự tôn trọng
Ông bà ta thường dùng câu “công ơn sinh thành dưỡng dục” để thể hiện công lao to lớn cha mẹ dành cho con cái, tức là đã sinh con thì phải dưỡng dục con. Quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” theo tôi không còn phù hợp nữa, trách nhiệm “sinh tính” bây giờ phải thuộc về cha mẹ trong quá trình dưỡng dục con (chịu trách nhiệm 100% là ở đây). Phải hiểu dưỡng dục gồm hai yếu tố: nuôi dưỡng và giáo dục. Làm cha mẹ ắt phải đảm bảo cả hai thứ này, thiếu một trong hai đều dẫn đến sự phát triển khập khiễng ở trẻ. Tức là vừa là cha, là mẹ vừa là người thầy của con. Nhiều phụ huynh dạy con chủ yếu theo bản năng hoặc kinh nghiệm của người đi trước truyền lại; trong đó có cái tốt, nhưng cũng lắm thứ không còn phù hợp. Tôi hiểu rằng trong cuộc sống bộn bề công việc, thật khó để đảm đương nhiều vai trò cùng một lúc. Nhưng thời nào cũng thế thôi, không có lựa chọn khác, phải như vậy nếu muốn “sản phẩm” của mình có giá trị thật.
Tôi nhận thấy sự tôn trọng cha mẹ dành cho con trong quá trình dạy chúng đang suy giảm đáng lo ngại. Rất nhiều gia đình ngày nay thường chọn giải quyết mâu thuẫn bằng cách quát tháo, đánh đập và xem đó là tiêu chí trừng phạt con nhanh, gọn và hiệu quả. Trong những khóa học của chúng tôi có những em tâm sự hoàn cảnh rất đáng thương. Em này bị hở van tim ba lá, đó là di chứng của một trận đòn dã man hồi nhỏ ba đánh em, đánh tới mức phải vào bệnh viện. Khi được hỏi bậc phụ huynh ấy thì anh cho rằng đó là cách của anh, anh thích vậy bởi con anh nó mất dạy lắm, không đánh nó không nghe. Tôi thấy quá tệ!!! Bạo lực luôn luôn là phương pháp dạy con thấp hèn nhất của những người cha mẹ tự cho mình cái quyền hơn con.
Một câu hỏi chúng tôi thường hỏi các bậc phụ huynh khiến họ giật mình: “Tuổi cha mẹ và tuổi con cái ai lớn hơn?”. Câu trả lời là bằng nhau, vì cho đến ngày chúng ta có đứa con thì chúng ta mới được gọi là cha là mẹ. Do đó, người lớn đừng tự cho mình cái quyền hơn con rồi muốn làm gì chúng thì làm.
Chúng ta chỉ lớn hơn chúng về tuổi đời (lớn hơn để định hướng, giúp đỡ chứ không phải để hà hiếp con), nhưng tuổi trong mối tương quan cha mẹ – con cái là bằng nhau. Vì vậy tôi mong các bậc phụ huynh hãy giao tiếp, đối xử một cách tôn trọng với con như hai người bạn. Chỉ khi con cảm nhận được cha mẹ tôn trọng, đủ kiên nhẫn với những sai phạm của chúng thì con mới ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ.
Tất nhiên, tôi biết làm được như thế không dễ chút nào, nhất là khi người lớn cũng chẳng được học cách làm cha, làm mẹ trước khi sinh con. Vì vậy, tôi thật sự khuyến khích quý vị phụ huynh phải chịu học, chịu đọc. Hiện nay có nhiều đầu sách hay về dạy con, cũng như các khóa huấn luyện kỹ năng làm cha mẹ rất thiết thực được tổ chức bởi những trung tâm có uy tín. Không thể đổ lỗi vì bận rộn mà bỏ bê việc này được bởi đơn giản đó là sự nghiệp lớn lao nhất mà chúng ta có thể đóng góp cho xã hội.
Mỗi lần ra đường nhìn thấy “các tay anh chị tuổi thanh niên” rồ ga, nẹc pô, uy hiếp tinh thần những người đi đường, thậm chí giựt đồ, cướp bóc, nghiện ngập,… (tôi từng bị giựt đồ nên cũng ám ảnh). Tất cả điều đó đang thật sự là gánh nặng của xã hội. Những câu hỏi tôi đau đáu trong lòng mãi: các bạn trẻ đó ở đâu ra? Tại sao các bạn lại trở nên như thế? Đâu phải lúc sinh ra các em đã bị dán nhãn trên đầu chữ “giang hồ”, “nghiện ngập”, “ xã hội đen” để rồi sau này lớn lên trở thành những người như vậy. Xin thưa: tại giáo dục mà ra, mà giáo dục quan trọng nhất là giáo dục trong gia đình. Vậy đó có phải trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ không?
Sinh đứa con ra chưa phải là hết, cần nhiều hơn một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ với phương pháp dưỡng dục con hiệu quả được bảo bọc trong tình yêu thương. Con là tất cả, là niềm tự hào của cha, của mẹ. Ấy thế mà hai chữ CHA MẸ mới thiêng liêng làm sao!
Theo Vũ Đức Trí Thể – http://www.toitaigioibancungthe.vn