Báo động sự thiếu hụt kỹ năng sống của học sinh

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của ba nữ sinh lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) vào năm 2012. Điều đáng nói ở đây là cả ba em đều là học sinh khá giỏi, ngoan ngoãn, chuyên cần trong học tập, có trách nhiệm với gia đình.

 

Quá thiếu hụt kỹ năng sống
Theo cơ quan điều tra, những cuốn nhật ký và thư từ của 3 nữ sinh này để lại có nội dung thể hiện “ý định không muốn sống, có vấn đề về tâm lý xuất phát từ gia đình”.


Các em cần được trang bị kỹ năng sống cần thiết

Bạn bè cùng lớp của các em cho biết, ba em là bạn thân, hay chia sẻ, tâm sự với nhau. Trước đó, các em có chia sẻ những chán nản về chuyện gia đình như bố say xỉn, hay bị bố la mắng…

Nếu chỉ xuất phát từ những nguyên nhân này mà 3 nữ sinh tìm đến cái chết thì rõ ràng đang có một lỗ hổng trầm trọng trong nhận thức của học sinh.

Trước đó, một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Diễn Châu 2 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng đã bất ngờ chuyển dạ và sinh con khi đang trên lớp học trong khi cả gia đình, nhà trường và bạn bè không ai biết nữ sinh này có thai.

Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề Xã hội cho biết, hiện tượng vị thành niên có quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn, tự tử, bỏ nhà đi bụi, lập băng nhóm đi cướp hay những nữ sinh viên tham gia hoạt động mại dâm… chính do các em thiếu kỹ năng sống.

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 – 19 tuổi, ở tuổi này đang xảy ra rất nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý nhận thức, định hướng cuộc sống chưa rõ ràng, hay bộc phát về hành vi. Bên cạnh đó, các em đang sống trong một xã hội hiện đại đầy biến động mà gia đình và nhà trường lại không phải là chỗ dựa vững chắc cho tâm lý của các em.

PGS TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Trung tâm Giáo dục môi trường và Sức khỏe cộng đồng (Hội Khuyến học Việt Nam) lo lắng rằng, giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng hiện còn rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết. Nhiều học sinh rất lúng túng trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và vượt qua stress hay khúc mắc về tình cảm. Nguyên nhân của việc này chính là vì giới trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống, và đặc biệt là chưa được phụ huynh, nhà trường quan tâm dạy bảo đúng mực về vấn đề này.

Bao giờ kỹ năng sống mới thật sự thiết thực với học sinh?

Một thực tế cho thấy, mặc dù dư luận đã nói nhiều, ngành giáo dục cũng đã có những động thái trong việc cố gắng đưa kỹ năng sống vào trường học, tuy nhiên, dạy cái gì, dạy như thế nào lại là điều cần phải bàn.

Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên các trường vẫn đang “tự bơi”, mỗi nơi dạy một kiểu. Chính vì thế, việc giáo dục kỹ năng này hoặc chỉ dừng lại ở các tiết học giáo dục công dân hoặc bị bỏ lửng hoàn toàn. Những bài giảng trên lớp chỉ có thể giúp các em hình dung về kỹ năng sống chứ chưa thật sự hiểu hoặc cảm thấy có ích với bản thân mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải nhảy xuống nước chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết bơi được. Bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh phải được thực hiện từ cấp tiểu học, thậm chí mầm non, phải gắn liền với hoạt động hàng ngày của các em như giao tiếp, rèn luyện bản lĩnh cá nhân, bảo vệ bản thân, có tinh thần đồng đội và biết chia sẻ…

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, học sinh còn có nhiều điều kiện được tiếp xúc, học hỏi về kỹ năng sống tại các trung tâm, nhưng ở các địa phương, nông thôn, vùng sâu vùng xa, kỹ năng sống vẫn là một cái gì đó rất xa vời.

Theo Nguyên Minh – Nguồn: Báo Lao Động