Bạn có biết thị trường lao động hiện nay như thế nào?

Hãy nghe thầy Trần Anh Tuấn phân tích thị trường lao động hiện nay để các bạn học sinh biết cách định hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình.

 

“Thành công không dựa vào ngành học, cũng không dựa vào bằng cấp, thành công dựa vào chính sự rèn nghề, phấn đấu với nghề nghiệp mà các em đã chọn” – đó là lời phân tích, định hướng của thầy Trần Anh Tuấn – Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.

Bạn có biết thị trường lao động hiện nay như thế nào? - Ảnh 1.

 Thầy Trần Anh Tuấn – Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.

Học sinh cần chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện khách quan và năng lực của bản thân

Thưa thầy, một mùa tuyển sinh nữa lại đến và học ngành gì, làm nghề gì chắc hẳn là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh và học sinh, xin thầy cho biết một vài định hướng về những ngành nghề “hot” để giúp các bạn học sinh có thể chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân mình.

Việc chọn nghề học điều quan trọng là dựa trên cơ sở của sự hiểu biết nghề nghiệp và nền kinh tế quốc dân, của địa phương, những đòi hỏi khách quan của hoàn cảnh, biết đối chiếu với sự phát triển, năng lực, sở trường, tình trạng tâm sinh lý sức khỏe của bản thân để điều chỉnh động cơ lựa chọn nghề. Từ đó kết luận về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân. Mỗi học sinh có được tính chủ động trong lựa chọn nghề, có khả năng tự quyết định được con đường nghề nghiệp tương lai của mình.

Việc chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, yêu cầu của nền kinh tế là rất cần thiết đối với giới trẻ, sinh viên – học sinh. Tuy thế đây là điều mà giới trẻ còn rất lúng túng, đa số chỉ chọn nghề vì cho rằng nó “hot”, hoặc “dễ ăn”…

Mỗi mùa thi, vấn đề làm sao xác định được một ngành học phù hợp với bản thân để không phải hối tiếc về sau hoặc bỏ học nửa chừng là băn khoăn của rất nhiều thí sinh. Thực tế, có nhiều sinh viên vẫn không hiểu tại sao mình lại theo ngành đang học. Vì do mong muốn phải học đại học và với  điểm  kỳ thi tuyển sinh không cao… dẫn đến việc các em phải vào học một trường, một ngành học đại học miễn là trúng tuyển, từ đó không hiểu rõ có phù hợp năng lực sở trường bản thân hay không? và không biết sau khi ra trường  sẽ như thế nào? Cho nên việc quyết định gắn bó với một ngành học, các em học sinh cần phải tìm hiểu kỹ từ khối thi, điểm chuẩn, chương trình học đến công việc cụ thể mình sẽ làm, nhu cầu nhân lực ngành này trong những năm sau, khi các em ra trường; và phải xác định đại học không phải là con đường duy nhất để thành đạt.

Bạn có biết thị trường lao động hiện nay như thế nào? - Ảnh 2.

 Thầy Trần Anh Tuấn cũng là người rất thường xuyên tham gia các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên tại TP.HCM.

Là một người nghiên cứu về thị trường lao động, xin thầy cung cấp một số thông tin cơ bản về thị trường lao động của nước ta trong thời điểm hiện tại.

Hiện nay và những năm tới, thị trường lao động (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.

Các nhóm ngành nghề: Công nghệ – Kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này cực kỳ cao do lượng sinh viên học nhóm ngành này cao); Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Quản trị du lịch – Khách sạn; nhóm ngành Sư phạm (Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục); nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe như Bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng, Dược; nhóm ngành Công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.

Trong những nhóm ngành đó, có những ngành rất cần nhu cầu nhân lực mà các em nên chú ý như Kỹ sư công nghệ nông nghiệp (Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp – Thủy sản, Công nghệ sinh học), Du lịch (Quản trị nhà hàng khách sạn, Lữ hành), Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế), Cơ điện tử (Lập trình, Công nghiệp ôtô), Môi trường …

Tuy nhiên, khi chọn ngành học phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công

“Không quan trọng các em học nghề gì, quan trọng các em học nghề và làm nghề như thế nào”

Cơ hội việc làm cho các sinh viên ngày càng mở rộng, tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì nhiều sinh viên không tìm được việc làm do kỹ năng yếu. Thầy có nhận định gì về tình trạng này và có định hướng gì cho các em?

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Có không ít sinh viên học rất giỏi nhưng ra trường không làm được việc, trong khi nhiều bạn chỉ học trung bình hoặc khá lại làm việc rất hiệu quả, thành công. Một điểm mấu chốt là kỹ năng, yếu tố mà vẫn bị sinh viên coi nhẹ.

Bạn có biết thị trường lao động hiện nay như thế nào? - Ảnh 3.
 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

Hiện tại, thị trường lao động đang mở rộng và ngày càng tạo nhiều cơ hội để các em hòa nhập và khẳng định mình. Vì vậy, không quan trọng các em chọn nghề, học ngành hot hay không hot, quan trọng là các em học nghề như thế nào, làm nghề như thế nào. Một lần nữa thầy xin nhấn mạnh, học đại học không phải là con đường duy nhất, những người học cao chưa chắc đã thành công, nhưng những người yêu nghề, giỏi nghề thì chắc chắn sẽ thành công trong cuộc sống.

Theo ttvn.vn