Nếu cuộc sống là một bài kiểm tra, mục tiêu sống chính là công thức giải, và cách bạn đối mặt với thách thức chính là đáp án!
Đứng trước mọi quyết định trong cuộc sống, chúng ta luôn có quyền lựa chọn. Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo và tác giả tựa sách best-seller “Đi tìm lẽ sống” bán được hơn 12 triệu bản bằng 24 ngôn ngữ, đã rút ra điều này sau tháng ngày sống trong trại tập trung Auschwitz. Sau đây là những bài học mà bất kỳ ai cũng nên biết được đúc kết từ cuốn sách kinh điển của thời đại này.
1. Chúng ta luôn có quyền được lựa chọn thái độ sống của mình
Dù không thể lựa chọn hoàn cảnh sống, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn lựa cách để đối phó với chúng. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ: Can đảm đương đầu để vượt qua hay chịu bị nhấn chìm.
Viktor Frankl viết, ngay ở nơi nhân tính bị tước bỏ, chúng ta cũng có thể tìm thấy người tử tế. Dù rất ít, nhưng đủ để chứng minh con người có thể mất đi mọi thứ ngoài trừ sự tự do lựa chọn thái độ, cách hành xử trong bất kể tình huống nào.
“Thậm chí ngay trong các điều kiện như thiếu ngủ, thiếu ăn và căng thẳng thần kinh, khiến người tù bị buộc phải phản ứng theo những cách nhất định thì cuối cùng, cư xử thế nào vẫn là kết quả từ quyết định của chính họ, không đơn thuần chỉ là kết quả từ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống trong trại.”
“Vì vậy, về cơ bản, bất cứ ai cũng có thể quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào, ngay cả trong những hoàn cảnh gian nan nhất.”
2. Cuộc sống chắc chắn sẽ có thăng trầm, học cách đối diện mới khiến ta thay đổi
Con người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống thông qua ba cách khác nhau. Một là qua công việc, công việc mang đến ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống; hai là qua tình yêu, học cách yêu thương, chăm sóc và trân trọng người khác; và ba là qua tổn thương – lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không mang ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa.
“Nếu cuộc sống có ý nghĩa, thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Đau khổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện.”
Cách một người chấp nhận rằng cuộc sống không chỉ có những lúc hạnh phúc, rồi tìm cách vượt qua những thử thách sẽ cho họ nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
3. Sức mạnh của mục tiêu
Frankl nhắc đến vài lần những lời của Nietzsche, một nhà triết học người Phổ: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.” Thực vậy, đặt ra mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch thực hiện sẽ giúp ta tập trung năng lượng vào những việc cần thiết, thay vì phung phí thời gian và tiền bạc vào những thói quen vô bổ như lướt facebook, thức khuya xem phim, đọc truyện.
“Với việc mất niềm tin ở tương lai, người ấy cũng đã đánh mất cả tâm hồn, bị suy sụp và rệu rã cả thể chất lẫn tinh thần.”
Frankl quan sát thấy rằng những tù nhân sống sót và tìm ra cách chịu đựng, luôn có mục đích tồn tại để đưa họ vượt qua khó khăn. Đối với một số người, đó có thể là đứa con đang chờ họ trở về từ một đất nước khác, hay là người yêu hoặc các thành viên gia đình, hoặc có thể là một nhiệm vụ chưa hoàn thành hay công việc sáng tạo mà chỉ khi có họ mới có thể hoàn thành.
4. Nếu cuộc sống là một bài kiểm tra, thì cách chúng ta hành xử chính là đáp án
Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người về ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi người phải tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống thông qua những hoàn cảnh, mối quan hệ và kinh nghiệm sống của chính bản thân.
Nếu cuộc sống là một bài kiểm tra, thì cách chúng ta hành xử với người khác và phản ứng trước các sự kiện xảy ra trong cuộc sống chính là câu trả lời.
“Chúng ta hãy ngưng hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Thay vào đó hãy nghĩ về chúng ta như những người đang bị cuộc sống chất vấn – hàng ngày, hàng giờ. Câu trả lời của chúng ta không chỉ nằm trong lời nói và tâm trí, mà còn phải nằm trong cách cư xử và hành động đúng đắn”.
Theo http://ttvn.vn/